TP HCM đề xuất được sử dụng xe buýt từ 12-17 chỗ nhằm đa dạng loại hình giao thông công cộng và phù hợp các tuyến đường nhỏ, giúp người dân dễ tiếp cận.
Kiến nghị vừa được UBND TP HCM gửi Thủ tướng nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại người dân trong bối cảnh phần lớn tuyến đường ở thành phố nhỏ hẹp, khó tổ chức cho xe buýt chạy vào. Giữa năm trước, thành phố kiến nghị mở 6 tuyến buýt dưới 17 chỗ, không trợ giá, đi qua các khu đô thị mới, đầu mối giao thông, giá vé 10.000-40.000 đồng. Tuy nhiên Bộ Giao thông Vận tải phản hồi đề xuất không phù hợp quy định.
Xe buýt 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, chạy trên đường Hàm Nghi (quận 1)
Buýt nhỏ trước đó được TP HCM nghiên cứu xây dựng từ lâu nhưng chưa triển khai do vướng quy định xe phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Hiện, thành phố có hơn 2.300 xe buýt hoạt động và phần lớn từ 41 đến 60 chỗ, chủ yếu hoạt động ở các tuyến đường rộng 10 m trở lên. Trong khi thành phố có hơn 3.400 đường (trên tổng số gần 5.000 tuyến) có bề rộng dưới 7 m, rất khó để xe buýt đi vào tiếp cận người dân.
Theo UBND thành phố, việc phát triển buýt nhỏ giúp mở rộng phạm vi phục vụ và đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng trong phạm vi 500 m, thuận lợi cho người dân đi lại. Xe nhỏ dễ kết nối các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, những nơi bị hạn chế về hạ tầng... Ngoài ra buýt mini cũng giúp gom khách đến các loại hình giao thông cỡ lớn như metro, buýt nhanh...
Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn được TP HCM xây dựng có mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại người dân và tăng lên 25% năm 2030. Kế hoạch từ nay đến năm 2022, thành phố dự kiến mở mới 30 tuyến buýt nhỏ kết nối Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và buýt nhanh BRT Số 1; mở thêm các tuyến kết nối những khu đô thị mới...
Bốn năm trước, TP HCM thí điểm 3 tuyến xe buýt điện 12 chỗ, giá vé 12.000 đồng mỗi lượt phục vụ khách tham quan, dân cư khu vực nội bộ. Trong đó tuyến D1 do Tập đoàn Mai Linh khai thác chạy ở khu trung tâm; tuyến D2 và D3 chạy ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) do Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh khai thác. Các tuyến này được đánh giá giúp đa dạng loại hình vận tải và tạo điều kiện cho khách tham quan, du lịch đi lại.
TP HCM hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Mỗi năm thành phố trợ giá trung bình 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt.
Theo Gia Minh Báo VnExpress
コメント